Viêm gan

0
241
Quảng Cáo

Viêm gan là một bệnh về gan thường gặp. Nguyên nhân gây viêm gan nhiều nhất tại Việt Nam là viêm gan do nhiễm virus viêm gan B, C và viêm gan do rượu. Trong cơ thể người, gan là cơ quan đảm bảo nhiệm vụ sản xuất protein và chuyển hóa các chất. Khi gan bị viêm lâu ngày nhưng không được điều trị thích hợp sẽ dẫn đến suy gan và làm thay đổi môi trường bên trong cũng như khả năng tổng hợp các chất dinh dưỡng của cơ thể. Xơ gan là một quá trình gan không hồi phục, do đó cách tốt nhất để phòng ngừa xơ gan là không để bị viêm gan kéo dài.

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm gan là gì?

Viêm gan là bệnh thường do do virus viêm gan siêu vi gây ra. Trong giai đoạn đầu, viêm gan thường không có triệu chứng rõ ràng. Hầu hết người mắc bệnh chỉ phát hiện ra bệnh sau khi đã diễn tiến đến giai đoạn nặng. Đa số các trường hợp viêm gan được chẩn đoán trong những lần khám sức khỏe định kỳ.

Theo các chuyên gia, có 5 loại virus gây viêm gan là A, B, C, D và E. Mỗi loại có tính chất và khả năng gây bệnh khác nhau, do đó các triệu chứng và phương pháp điều trị của viêm gan rất đa dạng.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm gan?

Viêm gan có thể là viêm gan do siêu vi (nhiễm virus) hoặc viêm gan không do siêu vi (như viêm gan do rượu và viêm gan tự miễn).

Bệnh viêm gan siêu vi

Loại viêm gan này do virus viêm gan xâm nhập vào cơ thể bạn qua đường tiêm chích (dùng thuốc đường tĩnh mạch ở bệnh viện hoặc dùng chung kim tiêm khi sử dụng ma túy). Ngoài ra, bạn cũng có thể bị lây virus viêm gan khi sống chung hoặc có quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm virus viêm gan. Bạn cũng có thể nhiễm bệnh khi chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân viêm gan siêu vi và sử dụng nguồn nước hoặc thực phẩm không an toàn.

Bệnh viêm gan không do virus

Viêm gan không do virus bao gồm viêm gan do rượu và viêm gan tự miễn

Rượu có thể làm ngộ độc gan của bạn và bạn dễ bị viêm gan. Việc sử dụng rượu có thể dẫn đến nhiều bệnh gan như gan nhiễm mỡ (quá nhiều chất béo tích tụ trong gan) hoặc xơ gan (sẹo hình thành trong gan).

Bệnh gan tự miễn là bệnh do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tế bào gan của bạn. Bệnh này hiếm gặp nhưng nó có thể dẫn đến chức năng gan giảm và làm tổn thương gan.

Có hai loại viêm gan tự miễn. Viêm gan tự miễn loại 1 phổ biến hơn so với loại 2. Người bị viêm gan tự miễn cũng có thể có rối loạn tự miễn khác, chẳng hạn như bệnh celiac, viêm khớp dạng thấp hoặc viêm loét đại tràng.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm gan?

Bạn có khả năng gặp nguy cơ viêm gan nếu:

  • Dùng chung kim tiêm với người khác, xăm hình, xỏ lỗ trên cơ thể;
  • Nhiễm HIV – HIV có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, do đó làm tăng khả năng nhiễm virus vào cơ thể;
  • Quan hệ tình dục không an toàn (đường hậu môn và miệng) có thể lây lan bệnh viêm gan A và E;
  • Sử dụng các loại thuốc gây hại cho gan của bạn, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol và những loại khác) hoặc methotrexate (Trexall, Rheumatrex);
  • Dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân với những người bị viêm gan;
  • Sử dụng nguồn thực phẩm và nước uống bị nhiễm bẩn;
  • Có truyền máu, hóa trị hoặc điều trị ức chế hệ thống miễn dịch;
  • Truyền từ mẹ sang con.

Triệu chứng thường gặp

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm gan là gì?

Trong các trường hợp viêm gan, khoảng 80% không có hoặc ít triệu chứng trong giai đoạn đầu. 20% còn lại có thể xuất hiện triệu chứng với những mức độ khác nhau. Những triệu chứng có thể nhẹ nhưng cũng có thể nghiêm trọng đối với một số người, bao gồm:

  • Sốt;
  • Mệt mỏi;
  • Ăn mất ngon;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Đau bụng;
  • Đau khớp hoặc cơ bắp;
  • Nước tiểu sẫm màu;
  • Vàng mắt hoặc vàng da
  • Cảm giác ngứa;
  • Tâm thần thay đổi, chẳng hạn như thiếu tập trung hoặc lơ mơ, lú lẫn;
  • Xuất hiện vết bầm máu, chảy máu.

Nếu bạn không được điều trị, viêm gan có thể dẫn đến xơ gan, đó là sẹo của gan và làm suy yếu chức năng gan.

Điều cần thận trọng

Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?

Viêm gan có thể dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng và cuối cùng là suy gan.

Giai đoạn đầu của tổn thương gan là xơ hóa, đó là tình trạng các mô gan trở nên cứng lại. Sau một thời gian dài, xơ hóa sẽ biến thành xơ gan (sẹo trong gan). Thường thì bệnh phải kéo dài từ 20 đến 30 năm mới phát triển thành xơ gan. Các mô sẹo sẽ làm giảm lưu lượng máu qua gan.

Khoảng 20% những người mắc bệnh viêm gan C mãn tính sẽ tiến tới giai đoạn xơ gan. Một khi xơ gan xuất hiện, 50% bệnh nhân sẽ có một biến chứng đe dọa tính mạng trong 5 đến 10 năm tới.

Ngoài ra ung thư gan cũng có thể xuất hiện. Viêm gan C làm tăng nguy cơ ung thư gan, bác sĩ sẽ làm siêu âm gan mỗi 6-12 tháng để tầm soát ung thư gan cho bạn. Các xét nghiệm sẽ cho bác sĩ biết hiện có khối u nào đang hình thành trong gan của bạn hay không. Ung thư gan có thể điều trị được nếu được phát hiện sớm.

Cách chẩn đoán

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tên bệnh?

Viêm gan thường được chẩn đoán thông qua những lần khám sức khỏe định kỳ. Cách tốt nhất để kiểm tra viêm gan là xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu sẽ cho bác sĩ biết tình trạng và chức năng gan của bạn. Các xét nghiệm này bao gồm:

  • Alanineaminotransferase (ALT), aspartateaminotransferase (AST) và alkalinephosphatase (ALP) – đây là những enzyme sản xuất bởi gan. Quá nhiều những enzyme này có nghĩa là gan đang tổn thương;
  • Bilirubin– nồng độ trong máu của bilirubin sẽ tăng trong bệnh gan;
  • Albumin và protein (TP) – nồng độ hai chất này bình thường trong máu cho thấy gan vẫn còn đảm bảo chức năng.

Ngoài xét nghiệm máu, bác sĩ có thể chẩn đoán viêm gan thông qua khám bệnh và phát hiện ra các triệu chứng như vàng da, vàng mắt. Bác sĩ sẽ hỏi lại quá trình mắc bệnh của bạn đã xác định nguyên nhân bạn bị lây virus viêm gan.

Điều trị và kiểm soát hiệu quả

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm gan?

Các loại thuốc phổ biến nhất để điều trị bệnh viêm gan bao gồm:

  • Interferon;
  • Chất ức chế Protease kháng virus;
  • Nucleoside analogue kháng virus;
  • Các loại thuốc khác.

Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn về các loại thuốc này ở dưới đây:

Thuốc interferon

Sử dụng thuốc interferon sẽ làm giảm tác dụng phụ và thuốc có thời gian tác dụng dài hơn so với các loại thuốc khác. Thuốc này cung cấp protein miễn dịch để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và đặc biệt là giúp hệ thống miễn dịch chống lại HCV và phòng ngừa biến chứng, bao gồm các loại tiêm peginterferon alfa-2a (Pegasys), peginterferon alfa-2b (PegIntron, Sylatron) hoặc interferon alfa-2b (Intron A).

Thuốc kháng virus ức chế protease

Các chất ức chế protease được sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus  bằng cách ngăn chặn sự sinh sản của chúng. Những thuốc này có thể được dùng bằng đường uống. Một số loại thuốc kháng virus ức chế protease là Telaprevir (Incivek), Boceprevir (Victrelis), Paritaprevir.

Thuốc kháng virus tương tự nucleoside

Thuốc kháng virus hoạt động bằng cách ngăn chặn sự sinh sản của virus. Chúng được sử dụng kết hợp với các liệu pháp khác để điều trị bệnh viêm gan. Các loại thuốc thường gặp của loại này là ribavirin (Copegus, Moderiba, Rebetol, Ribasphere, RibasphereRibaPak, Virazole).

Bạn nên thận trọng khi dùng vì ribavirin có thể gây ra dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh khi sử dụng cho phụ nữ có thai và làm chậm sự tăng trưởng của bé.

Thuốc ức chế polymerase

Thuốc ức chế polymerase ngăn chặn sự phát triển của bệnh viêm gan bằng cách ngăn chặn sự sinh sản của virus. Thuốc này đôi khi được sử dụng kết hợp với thuốc ribavirin cho đến 24 tuần.

Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm buồn nôn, ngứa, mất ngủ, mệt mỏi.

Bạn nên làm gì để điều trị bệnh viêm gan?

Điều trị viêm gan sẽ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng của bạn. Bạn có thể cần phải:

  • Nghỉ ngơi – người bệnh viêm gan đa số cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng;
  • Tìm cách chống lại buồn nôn – bạn hãy chia bữa ăn ra thành những bữa nhỏ hơn và ăn nhiều lần trong ngày để có đủ năng lượng. Bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao như sữa;
  • Để gan nghỉ ngơi – gan của bạn đang bị tổn thương và không thể đào thải thuốc. Vì vậy, bạn không nên dùng các thuốc có hại cho gan và không được uống rượu;
  • Tránh quan hệ tình dục – viêm gan có thể lây qua hoạt động tình dục. Tốt nhất là bạn không nên quan hệ tình dục với những người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể quan hệ nếu đã sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn;
  • Rửa tay cẩn thận sau khi sử dụng toilet – virus viêm gan có thể nhiễm từ tay người dính phân lên bề mặt các đồ vật. Rửa tay kỹ trong vòng ít nhất 20 giây, sau đó lau tay khô với khăn dùng 1 lần;
  • Không chuẩn bị thức ăn cho người khác trong khi bạn đang bị nhiễm bệnh. Bạn có thể dễ dàng truyền bệnh cho người khác.

Việt Nam là nước dịch tễ của viêm gan siêu vi B, C. Thật may mắn là hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa viêm gan siêu vi B. Bạn hãy đưa cả gia đình đi tiêm ngừa viêm gan siêu vi B nếu chưa nhiễm bệnh vì đây là cách ít tốn kém và hiệu quả nhất để phòng tránh viêm gan siêu vi B. Còn đối với viêm gan siêu vi C, hiện nay vẫn chưa có vắc xin nhưng bạn có thể phòng ngừa bệnh bằng cách quan hệ tình dục an toàn, tránh phơi nhiễm với máu của người bệnh. Viêm gan do rượu tại Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ rất cao. Hạn chế uống rượu là cách duy nhất để điều trị viêm gan do nguyên nhân này. Khi viêm gan dẫn đến xơ gan giai đoạn cuối, cách chữa khỏi bệnh duy nhất là ghép gan, nhưng chi phí và khả năng thành công là cả một thách thức lớn. Vì vậy, bạn hãy sinh hoạt điều độ và lành mạnh vì sức khỏe của bạn và gia đình.

Bài trướcViêm động mạch tế bào khổng lồ
Bài tiếp theoViêm gan A