Màu sắc nước tiểu bất thường

0
166
Quảng Cáo

Tìm hiểu chung

Màu sắc nước tiểu bất thường là gì?

Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt đến màu hổ phách đậm nhờ loại sắc tố gọi là urochrome và độ pha loãng hoặc đậm đặc của nước tiểu.

Các sắc tố và các hợp chất khác có trong thực phẩm và các loại thuốc nhất định có thể thay đổi màu sắc của nước tiểu. Củ cải đường, dâu và đậu fava là một trong các loại thực phẩm có khả năng ảnh hưởng đến màu sắc nhất. Nhiều loại thuốc kê toa và không cần toa tạo nhiều màu sắc khác nhau cho nước tiểu như màu đỏ, vàng hoặc màu xanh lam.

Màu sắc nước tiểu bất thường có thể là một dấu hiệu của bệnh lý. Ví dụ như màu nước tiểu đỏ đậm hay màu nâu là một đặc điểm nhận diện của porphyria, một rối loạn di truyền hiếm gặp của các tế bào hồng cầu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của màu nước tiểu bất thường là gì?

Nước tiểu bình thường có màu sắc khác nhau tùy thuộc vào lượng nước uống vào. Dịch lỏng pha loãng chất làm nước tiểu có màu vàng, vì vậy bạn càng uống nước nhiều thì nước tiểu càng trong. Khi bạn uống ít nước, nước tiểu trở nên sậm màu hơn. Mất nước nghiêm trọng có thể làm nước tiểu có màu hổ phách.

Tuy nhiên, nước tiểu có thể chuyển thành nhiều màu khác thường bao gồm đỏ, xanh dương, xanh lá cây, nâu sẫm và trắng đục.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn có bất cứ hiện tượng nào sau đây:

  • Thấy có máu trong nước tiểu. Nước tiểu có máu là triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu và sỏi thận. Những vấn đề này thường gây ra đau đớn. Chảy máu không đau có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng hơn như ung thư.
  • Nước tiểu tối màu hoặc màu cam. Nếu nước tiểu sậm hoặc màu cam, đặc biệt kèm theo phân nhạt màu và da vàng mắt vàng, có thể do rối loạn chức năng gan.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra màu nước tiểu bất thường?

Một loạt màu sắc có thể xuất hiện trong nước tiểu báo hiệu một số vấn đề y tế. Có nhiều nguyên nhân được liệt kê dưới đây, nhưng không phải là tất cả. Có thể có những nguyên nhân khác làm thay đổi màu sắc nước tiểu. Hãy nói chuyện với bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Nước tiểu màu cam

Nước tiểu màu cam có thể do các loại thuốc gây ra. Ví dụ như thuốc kháng sinh rifampicin và các thuốc giảm đau phenazopyridine được sử dụng để giảm đau bàng quang tiết niệu. Một số thuốc nhuận tràng và các chất dùng trong hóa trị cũng có thể làm nước tiểu chuyển màu cam.

Chế độ ăn uống làm nước tiểu có màu cam có thể do ăn nhiều cà rốt do có carotene. Vitamin C, blackberries, củ cải đường hoặc cây đại hoàng cũng có thể ảnh hưởng đến màu nước tiểu.

Nước tiểu đỏ

Nước tiểu màu đỏ do một số nguyên nhân. Màu đỏ là do có máu xuất hiện trong nước tiểu. Khi bị tình trạng này, bạn phải đến gặp bác sĩ để được điều trị. Máu trong nước tiểu được gọi là tiểu máu.

Một tình trạng liên quan đến máu gọi là hemoglobin niệu cũng có thể gây ra nước tiểu đỏ, giống như myoglobin niệu liên quan đến cơ bắp.

Các nguyên nhân vô hại gây nước tiểu đỏ là do ăn củ cải đường hoặc dâu đen.

Nước tiểu màu nâu

Các thuốc làm thay đổi màu sắc của nước tiểu chuyển sang màu nâu bao gồm:

  • Thuốc chống loạn thần như chlorpromazine (THORAZINE) và thioridazine (Mellaril)
  • Kháng sinh như metronidazole (ví dụ Flagyl) và nitrofurantoin (ví dụ Furadantin)
  • Một loại thuốc chống động kinh gọi là phenytoin (ví dụ như Dilantin)
  • Thuốc nhuận tràng sennoside (Senna-Lax, Senokot)

Nước tiểu màu tím sẵm

Một tình trạng được gọi là porphyria làm nước tiểu có màu tím sẫm. Porphyria là một rối loạn trao đổi chất hiếm gặp.

Nước tiểu có màu xanh lá

Nước tiểu có thể chuyển sang màu xanh lá vì những nguyên nhân sau đây:

  • Thuốc và các hợp chất có chứa phenol như promethazine sử dụng cho dị ứng, buồn nôn và propofol, một loại thuốc sử dụng trong gây mê
  • Các thuốc khác, bao gồm amitriptyline chống trầm cảm, cimetidine, làm giảm axit trong dạ dày và các thuốc giảm đau
  • Các thuốc nhuộm, bao gồm chàm xanh, chàm đỏ son sử dụng trong xét nghiệm thận, axit carbolic và các dẫn xuất Flavin
  • Biliverdin, một sắc tố mật
  • Nhiễm vi khuẩn Pseudomonas
  • Methylene xanh, một loại thuốc nhuộm và cũng được sử dụng như một loại thuốc, có thể tạo màu xanh lam cho nước tiểu.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ màu nước tiểu bất thường?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ làm cho màu nước tiểu bất thường như:

  • Tuổi tác. Khối u bàng quang và thận, có thể gây ra máu trong nước tiểu, thường gặp ở người già. Đàn ông trên 50 tuổi thỉnh thoảng có máu trong nước tiểu do tuyến tiền liệt sưng to.
  • Lịch sử gia đình. Có lịch sử gia đình bị sỏi thận hoặc bệnh thận làm tăng nguy cơ phát triển những vấn đề này. Cả hai có thể gây ra máu trong nước tiểu.
  • Luyện tập thể lực quá mức. Người chạy nước rút có nguy cơ cao nhất mắc bệnh, nhưng bất cứ ai tập thể dục cường độ cao có thể bị chảy máu đường tiết niệu.

Chẩn đoán & điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán màu nước tiểu?

Phân tích nước tiểu

Bác sĩ sử dụng các xét nghiệm nước tiểu để tìm kiếm tế bào hồng cầu trong máu, nồng độ protein cao và các khoáng chất bài tiết trong nước tiểu có thể cho thấy thận hoặc đường tiết niệu có vấn đề. Xét nghiệm mẫu nước tiểu cũng có khả năng phát hiện vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Xét nghiệm máu

Một số xét nghiệm máu đo nồng độ creatinine và nitrogen niệu trong máu, đây là các sản phẩm chất thải tích tụ trong máu khi thận bị hư hỏng và không lọc đúng cách. Bác sĩ cũng có thể làm các xét nghiệm máu để kiểm tra men gan và các tình trạng khác như bệnh tiểu đường.

Những phương pháp nào dùng để điều trị màu nước tiểu?

Điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng gây ra sự thay đổi màu sắc của nước tiểu.

Chế độ sinh hoạt hợp lý

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý màu sắc nước tiểu?

Khi bị mất nước, nước tiểu trở nên đặc và và sẫm màu hơn. Nếu điều này xảy ra, bạn cần uống thêm nhiều nước. Hãy bảo đảm bạn uống đủ nước hàng ngày để cơ thể có đủ nước và khỏe mạnh.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Trắc nghiệm sức khỏe: Quan sát màu sắc nước tiểu bắt bệnh
  • [Infographic] Màu nước tiểu nói lên điều gì về sức khỏe của bạn?
  • Mối liên hệ giữa màu sắc nước tiểu và bệnh thận
Bài trướcMắt tuyến giáp
Bài tiếp theoMề đay lạnh