Lympho không Hodgkin

0
83
Quảng Cáo

Tìm hiểu chung

Lympho không Hodgkin là bệnh gì?

Bệnh lympho không Hodgkin, còn được gọi là u lympho không Hodgkin, là tình trạng khối u phát triển từ các tế bào bạch cầu lympho.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lympho không Hodgkin?

Các triệu chứng thường gặp của bệnh lympho không Hodgkin là:

  • Hạch lympho sưng, không đau ở cổ, nách hoặc bẹn;
  • Đau bụng hoặc chướng bụng;
  • Đau ngực;
  • Mệt mỏi;
  • Sốt;
  • Đổ mồ hôi đêm;
  • Sụt cân.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh lympho không Hodgkin?

Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh lympho không Hodgkin. Bệnh này xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào lympho bất thường.

Thông thường, các tế bào lympho trải qua một chu kỳ cuộc sống có thể dự đoán trước. Lympho già chết và cơ thể sẽ tạo ra những cái mới để thay thế chúng. Khi bạn mắc bệnh lympho không Hodgkin, tế bào lympho sẽ không chết mà tiếp tục phát triển và phân chia. Sự cung cấp các tế bào lympho tập trung vào các hạch bạch huyết một cách quá mức có thể làm cho hạch bạch huyết sưng lên.

Bệnh lympho không Hodgkin có thể bắt đầu ở một trong hai loại tế bào:

  • Các tế bào B. Tế bào B chống nhiễm trùng bằng cách sản xuất kháng thể trung hòa những tác nhân xâm nhập từ bên ngoài. Đa số bệnh lympho không Hodgkin phát sinh từ các tế bào B. Một số loại bệnh lympho không Hodgkin liên quan đến các tế bào B bao gồm lympho tế bào B lớn lan tỏa, lympho nang, lympho tế bào vỏ nang và lympho Burkitt;
  • Các tế bào T. Tế bào T tham gia vào việc giết chết những tác nhân xâm nhập trực tiếp. Lymphô không Hodgkin ít xảy ra trong các tế bào T hơn trong các tế bào B. Một số loại bệnh lymphô không Hodgkin liên quan đến tế bào T bao gồm lympho tế bào T ngoại vi và lympho tế bào T ở da.

Lympho không Hodgkin thường liên quan đến sự hiện diện các tế bào lympho ung thư trong các hạch bạch huyết nhưng bệnh cũng có thể lan tràn đến các bộ phận khác của hệ bạch huyết, bao gồm các mạch bạch huyết, amiđan, vòm họng, lách, tuyến ức và tủy xương. Thỉnh thoảng, lympho không Hodgkin ảnh hưởng đến các cơ quan bên ngoài của hệ bạch huyết.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh lympho không Hodgkin?

Lympho không Hodgkin có thể ảnh hưởng mọi người ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là ở những người trên 60 tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh lympho không Hodgkin?

Có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh lympho không Hodgkin chẳng hạn như:

  • Thuốc ức chế miễn dịch. Nếu cấy ghép nội tạng, bạn dễ mắc bệnh hơn vì liệu pháp ức chế miễn dịch làm giảm khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể;
  • Nhiễm virus và vi khuẩn. Một số bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn làm tăng nguy cơ lympho không Hodgkin. Virus liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh lympho không Hodgkin bao gồm virus HIVEpstein-Barr. Vi khuẩn liên quan đến tăng nguy cơ lympho không Hodgkin bao gồm Helicobacter pylori gây loét;
  • Hóa chất. Một số hóa chất chẳng hạn như những hóa chất để diệt côn trùng và cỏ dại có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lympho không Hodgkin. Hiện nay, các bác sĩ vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu được mối liên hệ giữa thuốc trừ sâu và sự phát triển của bệnh lympho không Hodgkin;
  • Lớn tuổi. Lympho không Hodgkin có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ tăng theo tuổi.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh lympho không Hodgkin?

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ việc:

  • Khám thực thể. Bác sĩ có thể khám để xác định kích thước và tình trạng của các hạch bạch huyết, xem gan lách có to không;
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu. Xét nghiệm máu và nước tiểu có thể giúp loại trừ nhiễm trùng hoặc bệnh khác;
  • Xét nghiệm hình ảnh. Bác sĩ có thể đề nghị bạn làm xét nghiệm hình ảnh để tìm kiếm các khối u trong cơ thể. Xét nghiệm hình ảnh có thể bao gồm X-quang, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET);
  • Sinh thiết. Bác sĩ có thể đề nghị thủ thuật sinh thiết lấy một phần hoặc toàn bộ một hạch bạch huyết để xét nghiệm. Phân tích mô hạch trong phòng thí nghiệm có thể cho biết bạn có bị lympho không Hodgkin hay không và nếu có thì là loại nào;
  • Tìm các tế bào ung thư trong tủy xương. Để tìm xem bệnh có ảnh hưởng đến tủy xương của bạn hay không, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết tủy xương. Khi làm sinh thiết tủy xương, bác sĩ sẽ chọc một cây kim vào xương chậu của bạn để lấy một mẫu tủy xương và sau đó mang đi xét nghiệm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh lympho không Hodgkin?

Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị căn cứ vào loại, giai đoạn của lympho, tuổi và sức khỏe tổng thể của bạn.

Không phải lúc nào bạn cũng cần điều trị. Nếu lympho tiến triển chậm, bạn có thể chờ và xem xét. Lympho tiến triển chậm mà không gây ra các dấu hiệu và triệu chứng có thể không cần điều trị trong nhiều năm. Trì hoãn điều trị không có nghĩa là bạn sẽ ổn. Bác sĩ có thể sẽ lên kế hoạch kiểm tra thường xuyên mỗi vài tháng để theo dõi tình trạng của bạn và đảm bảo rằng bệnh không tiến triển.

Nếu bệnh lympho không Hodgkin tiến triển nhanh gây ra các dấu hiệu và triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị bạn nên điều trị. Các lựa chọn có thể bao gồm:

  • Hóa trị. Hóa trị là điều trị bằng thuốc uống hoặc tiêm để tiêu diệt các tế bào ung thư. Thuốc hóa trị liệu có thể được sử dụng riêng hoặc kết hợp với các thuốc hóa trị khác hay kết hợp với các phương pháp điều trị khác;
  • Xạ trị. Xạ trị là sử dụng chùm tia năng lượng cao, chẳng hạn như tia X, để tiêu diệt các tế bào ung thư và làm nhỏ các khối u. Trong lúc xạ trị, bác sĩ sẽ cho bạn nằm lên giường và dùng một cái máy lớn chiếu tia trực tiếp vào các điểm chính xác trên cơ thể. Xạ trị có thể được sử dụng riêng hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác;
  • Ghép tế bào gốc. Ghép tế bào gốc là một thủ thuật liên quan đến hóa trị hoặc xạ liều cao với mục đích giết chết các tế bào lympho mà không bị giết chết với liều tiêu chuẩn. Sau đó, các tế bào gốc khỏe mạnh – của bệnh nhân hoặc từ một người hiến tặng – được tiêm vào cơ thể bạn và chúng có thể hình thành các tế bào máu mới khỏe mạnh;
  • Các loại thuốc tăng cường khả năng của hệ miễn dịch của để chống lại ung thư. Thuốc trị liệu sinh học giúp hệ miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư, ví dụ như rituximab (Rituxan®) là một loại kháng thể đơn dòng gắn vào các tế bào B giúp hệ miễn dịch dễ tìm thấy và tấn công. Rituximab làm giảm số lượng tế bào B kể cả tế bào B khỏe mạnh, nhưng cơ thể bạn sẽ sản sinh các tế bào B khỏe mạnh mới để thay thế. Các tế bào B ung thư ít có khả năng tăng sinh lại;
  • Các loại thuốc đưa bức xạ trực tiếp vào tế bào ung thư. Thuốc miễn dịch phóng xạ được tạo ra từ các kháng thể đơn dòng mang đồng vị phóng xạ. Điều này cho phép các kháng thể gắn vào các tế bào ung thư và đưa bức xạ trực tiếp vào các tế bào. Một trong những loại thuốc miễn dịch phóng xạ được sử dụng điều trị lympho là ibritumomab tiuxetan (Zevalin®).

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lympho không Hodgkin?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Tìm hiểu đầy đủ về bệnh lympho. Bạn hãy hỏi bác sĩ về các lựa chọn điều trị và khả năng phục hồi của mình. Nhờ đó, bạn có thể trở nên tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định điều trị.
  • Gần gũi với bạn bè và gia đình. Việc giữ mối quan hệ gần gũi sẽ giúp bạn đối phó với bệnh lympho không Hodgkin. Bạn bè và gia đình có thể cung cấp sự hỗ trợ thiết thực, chẳng hạn như giúp trông coi nhà cửa khi bạn ở trong bệnh viện và đưa ra lời khuyên, động viên giúp bạn vượt qua bệnh tật;
  • Tìm một người nào đó để nói chuyện. Tìm một người biết lắng nghe để bạn có thể nói về những hy vọng và nỗi sợ hãi của mình.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bài trướcLỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)
Bài tiếp theoLymphôm Burkitt