Hẹp ống sống

0
93
Quảng Cáo

Tìm hiểu chung

Hẹp ống sống là bệnh gì?

Hẹp ống sống là hội chứng ống sống bị thu hẹp, gây áp lực lên tủy sống và các dây thần kinh. Bệnh ảnh hưởng nhiều nhất đến lưng dưới và cổ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ảnh hưởng đến bất kì vị trí nào trên ống sống. Tính nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh còn tùy thuộc vào mức độ thiệt hại và mức độ ống sống bị thu hẹp đè nén các dây thần kinh.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hẹp ống sống là gì?

Các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện dần dần. Ban đầu, các triệu chứng vẫn chưa rõ rệt cho tới khi hẹp ống sống chèn các dây thần kinh và bệnh chuyển biến nặng hơn. Bạn sẽ gặp các triệu chứng sau:

  • Xuất hiện những cơn đau liên tục hoặc bị chuột rút ở chân và lưng dưới khi đi bộ, xe đạp hoặc đứng thẳng. Cơn đau sẽ giảm khi bạn ngồi xuống hoặc khom người về phía trước;
  • Tê và ngứa ran ở cẳng chân, bàn chân, cánh tay hoặc bàn tay. Các triệu chứng này có thể khác nhau đối với từng bệnh nhân, có thể chỉ là cảm giác hơi khó chịu đến tê cứng cẳng chân và bàn chân;
  • Chân yếu và nặng nề gây ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại;
  • Không đứng vững và dễ té.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Những nguyên nhân nào gây ra bệnh hẹp ống sống?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hẹp ống sống, bao gồm:

  • Tuổi tác: khi chúng ta già, các mô liên kết và hỗ trợ đốt sống trở nên dày và chắc, xương phát triển lớn hơn và bề mặt xương lồi ra. Tất cả những yếu tố này sẽ làm thu hẹp phần không gian trong ống sống;
  • Viêm khớp: có hai dạng viêm khớp có thể ảnh hưởng đến ống sống bao gồm viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp;
  • Bẩm sinh: một số người ngay từ khi sinh ra đã có ống sống nhỏ, tình trạng này sẽ dẫn đến chứng hẹp ống sống ở bệnh nhân trẻ tuổi;
  • Khối u ống sống: khối u xuất hiện bất thường xung quanh tủy sống, phát triển và phân chia không kiểm soát được. Tình trạng này gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến xương và ống sống bao gồm chứng hẹp ống sống.
  • Phá hủy tủy sống: tai nạn xe hơi hoặc chấn thương lớn khác sẽ làm lệch vị trí xương và có thể có một số mảnh xương rơi vào ống sống.

Một số tình trạng khác cũng có thể gây hẹp ống sống, nhưng chúng rất hiếm ví dụ như bệnh xương paget, sụn kém phát triển hoặc cong vẹo cột sống. Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về những tình trạng trên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh hẹp ống sống?

Hẹp ống sống thường xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ trên 50 tuổi. Một số người mắc bệnh ống sống hẹp bẩm sinh và một số từng bị chấn thương ống sống cũng có thể mắc bệnh này. Hãy tham khảo thêm với ý kiến của bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp ống sống?

Nếu bạn trên 50 tuổi hoặc mắc bệnh gen ảnh hưởng đến sự phát triển cơ xương, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh hẹp ống sống?

Bạn thường không dễ phát hiện bệnh hẹp ống sống vì các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến nhiều tình trạng khác. Để chẩn đoán hẹp ống sống, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử của bạn và khám lâm sàng.

Bác sĩ cũng tiến hành một số xác nghiệm để xác định chứng hẹp ống sống, bao gồm:

  • X-quang;
  • MRI: xét nghiệm sử dụng sóng radio để quan sát bệnh trong ống sống;
  • Chụp CT : xét nghiệm gồm nhiều tia X giúp bác sĩ có được những hình ảnh chi tiết của ống sống;
  • Myelogram: là phương pháp tiêm thuốc nhuộm lỏng vào ống sống. Thuốc nhuộm sẽ phác lại hình ảnh tủy sống và dây thần kinh, có thể cho thấy thoát vị đĩa đệm, cựa xương và các khối u;
  • Quét xương: Bác sĩ sẽ tiêm chất phóng xạ trong khi xét nghiệm để thấy được nơi xương bị phá vỡ hoặc hình thành.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh hẹp ống sống?

Bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp điều trị không cần phẫu thuật, bao gồm:

  • Thuốc giảm sưng. Bác sĩ sẽ tiêm cortisone vào ống sống;
  • Thuốc giảm đau. Bao gồm các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) như ibuprofen (Advil®, Motrin IB® và những thuốc khác) và naproxen, các loại thuốc giảm đau khác như amitriptyline, thuốc chống tai biến như gabapentin và pregabalin cho những cơn đau dai dẳng;
  • Hạn chế hoạt động;
  • Tập thể dục hoặc vật lý triệu liệu;
  • Đau lưng dưới.

Khi những phương pháp điều trị trên không có kết quả, bạn hãy liên hệ với bác sĩ để được phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp cho mỗi người.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh hẹp ống sống?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Sử dụng thuốc giảm đau như ibuprofen và naproxen để dễ dàng giảm đau và viêm;
  • Chườm nước ấm hoặc nước đá để ở cổ để làm thuyên giảm các triệu chứng;
  • Xây dựng chế độ ăn uống và dinh dưỡng, luôn giữ cơ thể cân đối và khỏe mạnh sẽ làm giảm áp lực lên ống sống;
  • Sử dụng gậy đi bộ. Ngoài việc giúp cơ thể ổn định, các thiết bị hỗ trợ này còn giúp giảm đau vì bạn có thể khom người về phía trước trong khi đi bộ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bài trướcHẹp niệu đạo
Bài tiếp theoHẹp thanh quản