Dày sừng ánh sáng

0
71
Quảng Cáo

Dày sừng ánh sáng (còn gọi là dày sừng quang hóa) là bệnh lý da liễu không thường gặp. Bệnh biểu hiện bằng những mảng da dày, tăng sừng, thô ráp ở những vùng thường phơi nhiễm ánh nắng nhiều như cánh tay, cổ, mặt. Bệnh được xem là giai đoạn sớm của ung thư da tại chỗ với giải phẫu bệnh đặc trưng là những tế bào sừng tăng sinh, biến dạng. Tùy theo giai đoạn bệnh và mức độ xâm lấn mà có phương pháp điều trị khác nhau. Thông thường, bác sĩ sẽ dùng các phương pháp như cắt, đốt điện để loại bỏ vùng da bị ảnh hưởng.

Tìm hiểu chung

Bệnh dày sừng ánh sáng là gì?

Bệnh dày sừng ánh sáng (dày sừng do mặt trời) là bệnh da thô, có vảy khi tiếp xúc với mặt trời, đặc biệt là trên mặt, tay, cánh tay và cổ. Tình trạng này thường gặp ở những người da trắng, mắt xanh.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh dày sừng ánh sáng chưa hẳn là ung thư, nó được xem là tổn thương giai đoạn tại chỗ ung thư da tế bào gai, nghĩa là các tổn thương được giới hạn tại chỗ và không xâm nhập tới các mô khác.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh dày sừng ánh sáng là gì?

Bệnh dày sừng ánh sáng khởi đầu bằng lớp da cứng, dày, có vảy, kích thước như cục tẩy bút chì, có thể ngứa hoặc nóng rát ở vùng da bị ảnh hưởng.

Theo thời gian, các tổn thương có thể biến mất, to lên, vẫn như cũ hoặc phát triển thành ung thư tế bào gai. Không có cách nào để bạn biết những tổn thương có thể trở thành ung thư hay không.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh dày sừng ánh sáng bao gồm:

  • Mảng da thô, khô, cứng, đường kính nhỏ hơn 2.5 cm
  • Mảng da từ bằng phẳng đến lồi lên hoặc sưng to trên da
  • Bề mặt cứng giống như mụn cóc trong một số trường hợp
  • Màu sắc đa dạng như màu hồng, đỏ hoặc nâu
  • Ngứa hoặc nóng rát trong vùng da bị ảnh hưởng.

Bệnh dày sừng ánh sáng thường xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như khuôn mặt, môi, tai, tay, cánh tay, da đầu và cổ.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Rất khó khăn để bạn phân biệt giữa vết đốm da không ung thư và ung thư. Vì vậy, bạn nên đi khám bác sĩ, đặc biệt khi có tổn thương da tồn tại lâu ngày, lớn nhanh hay chảy máu.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh dày sừng ánh sáng?

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh này, nhưng việc tiếp xúc lâu dài với ánh sáng mặt trời có thể coi là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng dày sừng ánh sáng. Bệnh thường gặp ở những người da trắng, mắt xanh ở từ 30 hoặc 40 tuổi trở lên.

Thỉnh thoảng, bệnh dày sừng ánh sáng có thể do việc tiếp xúc nhiều với tia X hoặc một số hóa chất công nghiệp gây ra.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh dày sừng ánh sáng?

Những người sống càng gần xích đạo càng dễ bị bệnh dày sừng ánh sáng. Tuy nhiên, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn vì họ có xu hướng dành nhiều thời gian ở ngoài trời và ít sử dụng đồ tránh nắng hơn so với phụ nữ. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh dày sừng ánh sáng?

Bạn có nguy cơ cao mắc bệnh này nếu:

  • Lớn hơn 60 tuổi
  • Sống trong vùng khí hậu nhiều nắng
  • Da trắng, mắt xanh
  • Dễ bị cháy nắng
  • Từng bị cháy nắng
  • Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
  • Nhiễm virus HPV
  • Suy giảm hệ miễn dịch do hóa trị, bệnh bạch cầu, AIDS hoặc dùng thuốc ức chế thải ghép.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh dày sừng ánh sáng?

Bác sĩ có thể dễ dàng xác định xem bạn có bị bệnh dày sừng ánh sáng hay không bằng cách dùng ánh sáng trắng hoặc kính phóng to để khám, tìm nốt ruồi hoặc sang thương da. Nếu nghi ngờ, bạn có thể làm các xét nghiệm khác chẳng hạn như sinh thiết da. Trong quá trình làm thủ thuật này, bác sĩ sẽ lấy một mẫu da nhỏ để phân tích trong phòng thí nghiệm.

Ngay cả sau khi điều trị bệnh dày sừng ánh sáng, bác sĩ sẽ đề nghị bạn nên tái khám ít nhất mỗi năm một lần để tìm dấu hiệu của ung thư da.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh dày sừng ánh sáng?

Bệnh dày sừng ánh sáng có thể được điều trị khỏi trước khi trở thành ung thư da. Bạn có thể lựa chọn điều trị khác nhau phụ thuộc vào tiến triển của sang thương, tuổi tác và tình trạng bệnh. Một số phương pháp sẽ làm tăng độ nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, vì vậy bạn hãy gặp bác sĩ để khám da và đặc biệt là thường xuyên dùng dụng cụ bảo vệ tránh ánh nắng mặt trời trong thời gian điều trị. Phương pháp phổ biến điều trị bệnh này bao gồm:

  • Phẫu thuật quang đông với nitơ lỏng để phá hủy sang thương da: phẫu thuật quang đông có thể gây đau nhẹ kéo dài đến 3 ngày. Bạn thường mất 7-14 ngày để lành bệnh và có ít hoặc không có sẹo, mặc dù một số người có làn da sẫm màu sẽ xuất hiện mảng da sáng vĩnh viễn
  • Cạo và phẫu nhiệt: bác sĩ sẽ gây tê và dùng một công cụ hình thìa cạo sang thương da. Sau khi cạo, phẫu nhiệt được thực hiện để kiểm soát chảy máu và phá hủy các tế bào bất thường còn lại. Nạo là một cách điều trị nhanh chóng, nhưng có thể gây ra sẹo, đôi khi có thể là sẹo dày. Sẹo có thể gây ngứa hoặc lớn lên theo thời gian, nhưng bạn có thể không cần điều trị
  • Cắt sang thương bằng dao: điều này giúp bác sĩ loại bỏ sang thương da và kiểm tra xem có phải là ung thư tế bào đáy hoặc gai hay không. Bạn sẽ mất 7-14 ngày để lành bệnh và có thể bị sẹo, thay đổi màu sắc làn da;
  • Lột da bằng hóa chất: điều này được thực hiện để làn da mới có thể phát triển và thay thế da bị hư hại
  • Tái tạo bề mặt da bằng laser: một chùm tia ánh sáng laser mạnh (chẳng hạn như cacbon đioxit hoặc laser CO2) được sử dụng để tiêu diệt lớp trên cùng của da, giúp da mới phát triển thay thế cho vùng bị hư hại
  • Điều trị da với các loại thuốc bôi: như fluorouracil (5-FU®), imiquimod (Aldara®), ingenol mebutate (Picato®) và diclofenac (Solaraze®)
  • Sử dụng thuốc và ánh sáng để tiêu diệt tế bào (liệu pháp quang động học): bác sĩ có thể dùng thuốc như là axit aminolevulinic (ALA®), đặt trên da và sau đó kích hoạt với ánh sáng. Ánh sáng làm các thuốc tiêu diệt bệnh dày sừng ánh sáng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh dày sừng ánh sáng?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Ngồi trong bóng râm, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều
  • Không tắm nắng
  • Không tắm nắng trong nhà
  • Mặc quần áo dài tay, đội nón rộng vành và mang kính râm
  • Sử dụng kem chống nắng phổ rộng (UVA/UVB) với SPF 15 hoặc cao hơn mỗi ngày. Để hoạt động ngoài trời lâu hơn, bạn nên sử dụng kem chống nắng với SPF 30 hoặc cao hơn
  • Dùng 2 muỗng canh kem chống nắng cho toàn bộ cơ thể, 30 phút trước khi đi ra ngoài. Bạn cần bôi lại sau mỗi 2 giờ hoặc sau khi bơi hay ra mồ hôi quá nhiều
  • Không cho trẻ sơ sinh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Kem chống nắng nên được sử dụng cho trẻ sơ sinh hơn sáu tháng tuổi
  • Khám da mỗi tháng.

Bệnh dày sừng ánh sáng không thường gặp ở Việt Nam, tuy nhiên với đặc điểm khí hậu cận xích đạo phơi sáng nhiều, bệnh có thể mắc phải ở những người thường xuyên tắm nắng, phơi nắng mà không che chắn hoặc không sử dụng kem chống nắng. Tránh tiếp xúc thời gian lâu dưới nắng không chỉ giúp bạn hạn chế phát triển bệnh dày sừng ánh sáng mà còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh khác như ung thư hắc tố, lão hóa da. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình, hãy cố gắng thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sử dụng kem chống nắng, mặc quần áo tránh nắng khi làm việc lâu dưới nắng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bài trướcDày màng xương
Bài tiếp theoDậy thì