Đau mắt đỏ

0
213
Quảng Cáo

Đau mắt đỏ là từ dân gian dùng để chỉ chung tình trạng viêm kết mạc mắt. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau mắt đỏ, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất và có khả năng lây lan nhiều nhất là viêm kết mạc mắt do virus. Viêm kết mạc nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nặng như loét giác mạc hay nhiễm trùng nhãn cầu, các biến chứng này đều có khả năng gây giảm thị lực về sau.

Định nghĩa

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là bệnh gì?

Viêm kết mạc, còn gọi là đau mắt đỏ, là tình trạng kết mạc, phần màng trong suốt giữa mí mắt và tròng trắng của mắt (phần trắng của nhãn cầu), bị sưng lên do viêm gây đỏ và đau nhức. Bạn có thể đau mắt đỏ một hoặc cả hai mắt. Mặc dù đau mắt đỏ rất khó chịu và mất thẩm mỹ nhưng hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực của bạn. Bệnh đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm nên bạn cần được cách ly và điều trị càng sớm càng tốt để tránh lây cho người khác.

Những ai thường mắc phải đau mắt đỏ (viêm kết mạc)?

Đau mắt đỏ là bệnh về mắt rất phổ biến và sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị đau mắt đỏ. Dịch đau mắt đỏ thường xảy ra vào mùa thu.

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là gì?

Như tên gọi, khi bị đau mắt đỏ, kết mạc của mắt bạn sẽ đỏ lên do các mạch máu của kết mạc bị viêm. Trong trường hợp bạn bị đau mắt đỏ do dị ứng, bạn có thể cảm thấy ngứa. Các chất gây dị ứng đau mắt đỏ bao gồm: phấn hoa, lông vật nuôi và bụi trong nhà.

Trong trường hợp đau mắt do bị nhiễm virus, mắt sưng lên và khô nên bạn sẽ chảy nhiều nước mắt. Còn với trường hợp nhiễm vi khuẩn, bạn sẽ thấy nhức và tấy, đau âm ỉ bên mắt bị đỏ.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đi khám nếu thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào kể trên mà bạn cho là do đau mắt đỏ gây ra. Đau mắt đỏ rất dễ lây trong vòng hai tuần sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Do đó, chữa trị sớm không chỉ giúp bạn mau khỏi bệnh mà còn bảo vệ người thân của bạn khỏi bị nhiễm đau mắt đỏ.

Ngoài ra, bạn không nên tự ý chữa trị ở nhà hoặc đến bệnh viện chậm trễ vì bạn còn có khả năng mắc các bệnh về mắt khác có cùng triệu chứng nhưng nghiêm trọng và khó chữa hơn đau mắt đỏ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ. Có thể chia ra thành các nguyên nhân chính là dị ứng, nhiễm khuẩn, nhiễm virus và do vật lạ tác động. Nguyên nhân gây đau mắt đỏ cụ thể như:

  • Nhiễm khuẩn gây bệnh đường hô hấp như tụ cầu khuẩn Staphylococcus và liên cầu khuẩn Streptococcus;
  • Nhiễm virus, thường là virus gây cảm lạnh thông thường;
  • Dị ứng phấn hoa hoặc bụi, lông thú nuôi;
  • Hóa chất bắn vào mắt;
  • Trẻ mới sinh bị nghẽn tuyến lệ (tuyến tạo ra nước mắt).

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc đau mắt đỏ (viêm kết mạc)?

Bạn cần biết các nguy cơ lây nhiễm của đau mắt đỏ để tránh lây nhiễm cho người khác cũng như bảo vệ sức khỏe bản thân mình. Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị đau mắt đỏ bao gồm:

  • Tiếp xúc trực tiếp với nước mắt hoặc ngón tay, khăn tay của người bị đau mắt đỏ;
  • Tiếp xúc với chất gây dị ứng;
  • Thường dùng kính áp tròng, đặc biệt là kính áp tròng một tuần (loại kính có thể đeo liên tục trong 7 ngày thay vì phải tháo bỏ trước khi ngủ).

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị đau mắt đỏ (viêm kết mạc)?

Nếu bạn bị đau mắt đỏ do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê toa thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh. Bạn có thể giảm cộm dưới mí mắt bằng cách chườm ấm. Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường đỡ hơn nhiều trong vòng 48 giờ sau điều trị và thường khỏi trong 1 tuần.

Với đau mắt đỏ do virus, thuốc kháng sinh nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ sẽ không có tác dụng. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc nhỏ mắt giúp tăng độ ẩm trong mắt kết hợp chườm ấm giảm sưng. Đau mắt đỏ do virus thường được cải thiện trong 1-2 tuần nhưng có thể kéo dài hơn.

Nếu bạn bị dị ứng, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc nhỏ mắt giảm viêm kháng histamine và thuốc trị nghẹt mũi nhằm giảm các triệu chứng dị ứng. Chườm lạnh sẽ giúp bạn đỡ ngứa. Đau mắt đỏ dị ứng có thể diễn ra theo mùa.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán đau mắt đỏ (viêm kết mạc)?

Các bác sĩ thường chẩn đoán đau mắt đỏ bằng cách khám lâm sàng mắt và hỏi bạn các câu hỏi để tìm ra nguyên nhân gây viêm kết mạc. Nếu không tìm thấy nguyên nhân đau mắt đỏ, bác sĩ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm mắt để chẩn đoán bệnh mắt khác có chung triệu chứng.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau mắt đỏ (viêm kết mạc)?

Một thói quen sống tốt là cách tốt nhất để phòng chống bệnh viêm kết mạc. Dù cho bạn đã bị bệnh, đảm bảo những thói quen tốt sẽ giúp đau mắt đỏ mau khỏi cũng như không lây truyền cho người thân. Bạn có thể kiểm soát tốt bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau:

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với bất cứ ai nếu bạn đang bị đau mắt đỏ;
  • Rửa tay thường xuyên;
  • Sử dụng khăn tắm, khăn lau mặt, và gối riêng biệt với các thành viên khác trong gia đình;
  • Vứt mỹ phẩm mắt cũ và không dùng chung mỹ phẩm mắt với những người khác;
  • Tránh những nguyên nhân gây ra dị ứng nếu có thể;
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định;
  • Không chạm vào khu vực bị nhiễm bệnh hoặc chà mắt của bạn;
  • Không đeo kính áp tròng cho đến khi điều trị kết thúc. Bạn có thể cần phải thay thế kính áp tròng và hộp đựng kính.

Để phòng ngừa viêm kết mạc (hay đau mắt đỏ), bạn hãy áp dụng đúng những phương pháp vệ sinh mắt, nhất là những người có sử dụng kính áp tròng hoặc phải trang điểm mắt thường xuyên. Khi đi bơi ở hồ bơi đông người, bạn nên vệ sinh lại mắt bằng thuốc nhỏ mắt nước muối sinh lý. Tránh dùng chung khăn mặt và mỹ phẩm hay cọ chung với người khác. Khi bị đỏ mắt hoặc chảy ghèn nhiều, bạn hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay để được điều trị kịp thời.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bài trướcĐau mạn tính
Bài tiếp theoĐau mắt hột